Loại nước giải khát này không chỉ thơm ngon mà còn giàu nguyên tố vi lượng, có tác dụng làm ngưng cơn khát, giải nhiệt, sinh tân dịch, chống lại tình trạng mất nước và điện giải trong mùa hè.

Thời gian nắng nóng ở Việt Nam chiếm tới 2/3 số ngày trong năm. Vì vậy, nhu cầu về giải khát, giải nhiệt là vấn đề rất được quan tâm. Xưa kia, việc dùng nước giải khát, giải nhiệt tương đối đơn giản, chỉ là bát nước chè xanh hòa đường, cốc nước mơ, nước chanh… Nhưng ngày nay, thị hiếu tiêu dùng lại sính những loại nước uống công nghiệp đóng hộp, đóng chai, tuy tiện dụng nhưng còn nhiều hạn chế về mặt an toàn vệ sinh dinh dưỡng nếu không được kiểm soát gắt gao.

Các loại nước giải khát thiên nhiên được pha chế đơn giản từ trái cây có thành phần chỉ gồm toàn nước quả hay thịt quả tự nhiên pha thêm với nước, đường, tuyệt đối không có chất phụ gia bảo quản, phẩm màu, hương liệu hóa học. Chúng có hương vị thơm ngon đặc trưng, hấp dẫn của trái cây tự nhiên như nước mơ, nước chanh, nước quất... Đặc biệt, nước mơ không những có giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng chỉ khát, giải nhiệt, sinh tân dịch. Công dụng của nước mơ đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh bằng thực nghiệm.

Cây mơ còn gọi là cây mai, tên khoa học Prunus armeniaca. L. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, hoa trắng 6 cánh. Quả chín vào tháng 3, tháng 4. Quả mơ chín sau khi hái được chế biến thành mơ đen (ô mai) hay thành mơ trắng (bạch mai), dùng làm thuốc chỉ ho, chỉ khát, sinh tân dịch, chữa đau cổ...

Việc pha chế nước mơ rất đơn giản: Vào mùa mơ chín tháng 3-4, chọn mua những quả to đều, tươi mập, chín vàng, sờ còn cứng tay, đem về rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cứ 1 kg mơ thì dùng 1 kg đường, trộn đều với một thìa canh muối ăn tinh thể (để tăng cường bổ sung lượng muối mất đi do nắng nóng). Sau đó, cho mơ vào bình thủy tinh miệng rộng, có nắp kín, cứ một lượt mơ lại rắc phủ một lượt đường đã phối chế muối. Ngâm trong vài ba tháng, mơ sẽ chuyển thành màu nâu nhạt, đường tan hết, sánh như mật ong với đủ hương vị ngọt thơm, chua đắng đặc trưng của quả mơ. Chú ý: Không ngâm mơ đầy bình và đậy kín, đề phòng mơ lên men, sủi bọt làm bật nắp, tràn ra khỏi bình.

Khi pha nước giải khát, chỉ cần hòa vài thìa si-rô mơ này vào một cốc nước đun sôi để nguội, thêm chút đường và ít nước đá.

Các ưu điểm cuả nước mơ là giàu sinh tố C tự nhiên (65-100 mg/100 ml dịch quả) và các yếu tố vi lượng, sinh tố khác như A, B15, acid hữu cơ tự nhiên. Nó dễ chế biến, dễ tìm, giá rẻ, lại không dùng chất phụ gia hóa học. Như vậy, so với các loại nước giải khát công nghiệp, nước mơ vừa thơm ngon vừa đảm bảo an toàn dinh dưỡng. Nó đáp ứng được nhu cầu về giải khát, giải nhiệt, bù đắp năng lượng, cung cấp những yếu tố hồi phục các tế bào đã hoạt động trong quá trình thoát nhiệt, có tác dụng rất tốt trong mùa nắng nóng.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)